Viêm túi mật cấp: Chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa

 

Viêm túi mật cấp là bệnh lý ngoại khoa thường gặp, gây ra bởi nhiều nguyên nhân nhưng đa phần là do sỏi túi mật. Hiểu rõ về chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa  viêm túi mật cấp giúp bạn có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

 

1. Chẩn đoán viêm túi mật cấp

Chẩn đoán viêm túi mật cấp  dựa vào các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng. Hướng dẫn Tokyo năm 2007 (được điều chỉnh năm 2013) đã đưa ra các tiêu chuẩn chẩn đoán và phân độ như sau:

1.1 Tiêu chuẩn chẩn đoán xác định:

A. Dấu hiệu tại chỗ

1. Dấu hiệu Murphy

2. Đau/ ấn đau/ có khối sờ được ở hạ sườn phải

B. Dấu hiệu toàn thân

1. Sốt

2. Bạch cầu tăng

3. CRP tăng

C. Dấu hiệu hình ảnh: có dấu hiệu đặc trưng

Chẩn đoán viêm túi mật cấp: Khi có 1 tiêu chuẩn ở A, 1 tiêu chuẩn ở B và 1 tiêu chuẩn C

1.2 Phân độ nặng của viêm túi mật cấp

Viêm túi mật cấp được chia làm 3 mức độ nặng dựa vào các chỉ số lâm sàng và cận lâm sàng:

- Độ III (nặng): Thiểu năng một trong các cơ quan sau:

  • Tim mạch: Tụt huyết áp cần điều trị với Dopamine ≥ 5mcg/kg/phút hoặc bất kỳ liều Norepinerphrine
  • Thần kinh: Giảm ý thức
  • Hô hấp: PaO2/FiO2 <300
  • Thận: Thiểu niệu với creatinine > 2mg/dl
  • Gan: PT-INR> 1,5
  • Huyết học: Tiểu cầu <100.000/mm3

- Độ II (trung bình) : 1 trong các điều kiện sau

  • Bạch cầu tăng: >18.000/mm3
  • Sờ được khối ấn đau ở vùng hạ sườn phải
  • Thời gian bệnh >72 giờ
  • Biểu hiện viêm tại chỗ rõ: Viêm túi mật hoại thư, viêm túi mật khí thủng, áp xe quanh túi mật, viêm phúc mạc mật

- Độ I (nhẹ): Không  có những tiêu chuẩn ở độ II và III

Viêm túi mật cấp điển hình với 2 dấu hiệu thường gặp là đau bụng và sốt

 

2. Điều trị viêm túi mật cấp

Tùy theo nguyên nhân mà sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau, nhưng về nguyên tắc, điều trị viêm túi mật cấp là kết hợp giữa nội khoa và ngoại khoa:

2.1 Điều trị nội khoa

Theo nhiều nghiên cứu, với phương pháp điều trị nội khoa, có đến 77% các trường hợp bệnh thoái lui. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát sau 6 tuần có thể lên tới 14% và sau 1 năm có thể là 29% (nghiên cứu của Mestral và cộng sự). Vì vậy, hiện tại, mục tiêu của điều trị nội khoa là chống nhiễm trùng và nâng đỡ, chuẩn bị cho ca mổ. Nội dung điều trị nội khoa  bao gồm:

  • Nhịn ăn uống
  • Bù dịch và điện giải
  • Kháng sinh
  • Giảm đau
  • Kiểm soát hô hấp, huyết động, các bệnh nội khoa kèm theo

2.2 Điều trị ngoại khoa

Hiện nay, điều trị ngoại khoa được chỉ định cho hầu hết các trường hợp viêm túi mật cấp do sỏi ngoại trừ khi bệnh nhân chưa muốn mổ hay từ chối mổ. Có 2 phương pháp thường được áp dụng:

  • Cắt túi mật:

Cắt túi mật là tiêu chuẩn vàng cho điều trị viêm túi mật cấp. Hiện nay, hầu hết các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai phương pháp cắt túi mật qua nội soi với ưu thế vượt trội, đường mổ ngắn, thời gian hồi phục nhanh chóng và ít biến chứng kèm theo.

  • Dẫn lưu túi mật:

Đây là phương pháp bất khả kháng, thường được chỉ định cho những bệnh nhân nặng mà có nhiều yếu tố nguy cơ cho phẫu thuật như các bệnh lý nội khoa đi kèm nặng, suy đa cơ quan. Hiện nay có nhiều phương pháp dẫn lưu có thể kể đến như mổ mở thông túi mật ra da, dẫn lưu túi mật xuyên gan qua da, chọc hút túi mật xuyên gan qua da…

        Cắt túi mật là tiêu chuẩn vàng trong điều trị viêm túi mật cấp do sỏi

 

3. Phòng ngừa viêm túi mật cấp

Sỏi túi mật là nguyên nhân hàng đầu gây ra viêm túi mật cấp, chiếm 90-95% các trường hợp. Do đó, để phòng ngừa bệnh, vấn đề quan trọng nhất chính là phòng ngừa sỏi túi mật. Bạn có thể làm giảm nguy cơ hình thành sỏi túi mật với những biện pháp sau:

  • Thiết lập chế độ ăn hợp lý, đặc biệt là hạn chế các thức ăn nhiều choleserol
  • Duy trì cân nặng lý tưởng thông qua chế độ ăn, vận động
  • Hạn chế ăn kiêng và chế độ ăn quá khắt khe vì có nhiều bằng chứng cho thấy việc này có thể làm tăng nguy cơ sỏi túi mật
  • Thiết lập các bữa ăn hợp lý, tránh bỏ bữa

Viêm túi mật cấp là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa hay gặp, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân. Hiểu rõ triệu chứng lâm sàng, tiêu chuẩn chẩn đoán cũng như cách điều trị và phòng ngừa viêm túi mật cấp giúp bạn có thêm hiểu biết để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Kiểm tra chức năng gan – mật với Bộ xét nghiệm tầm soát chức năng gan tại MEC Health sẽ giúp bạn đánh giá, theo dõi tình trạng sức khỏe gan mật định kỳ cũng như theo dõi tiến triển bệnh. Để đặt lịch hẹn, vui lòng liên hệ HELPLINE 0827 222 115 hoặc đăng ký ngay TẠI ĐÂY

 

Tài liệu tham khảo:

1. PGS.TS.Bùi Khắc Hậu, Bệnh viện Bạch Mai, 2016. Bệnh viêm túi mật. <http://bachmai.gov.vn/tin-tuc-va-su-kien/bai-viet-chuyen-mon-menuleft-33/2122-benh-viem-tui-mat-2122.html>. [Ngày truy cập: 14 tháng 8 năm 2020].

2. Harvard Health Publishing, 2019. Cholecystitis. Available at: <https://www.health.harvard.edu/a_to_z/cholecystitis-a-to-z>. [Accessed 14 August 2020)

3. Huffman JL, Schenker S, 2010. Acute acalculous cholecystitis: A review. Clinical Gastroenterol Hepatol; 8:15-22

4. Indar AA, Beckingham IJ,2002. Acute cholecystitis. Bri J Med; 325: 639-643

 

 

 

© Copyright 2020 MEC Health . All rights reserved.