U gan lành tính liệu có đáng ngại?

 

U gan lành tính là một khối tế bào gan tăng sinh và phát triển mà không chịu sự kiểm soát bình thường của cơ thể. Nhắc đến bệnh lý này, chắc hẳn mọi người đều cho rằng nó hoàn toàn vô hại và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy u gan lành tính có thật sự vô hại nhưng chúng ta vẫn nghĩ?

 

1. U gan lành tính là gì?

U gan lành tính là tập hợp các tế bào gan tăng sinh và phát triển mà không chịu sự kiểm soát bình thường của cơ thể. Chúng là những tế bào biệt hóa cao, có hình dạng và chức năng gần giống với các tế bào bình thường.

Khối u này thường được bao bọc bởi một tổ chức liên kết, giới hạn rõ với vùng mô xung quanh. Chúng phát triển tương đối chậm qua nhiều năm và đặc biệt không xâm lấn, di căn tới các cơ quan khác như u ác tính.

Hiện nay, người ta phân chia u gan lành tính thành 3 loại: U biểu mô, u không biểu mô và tổn thương dạng u.

  • U biểu mô:

- U tuyến tế bào gan

- U tuyến đường mật

- Tăng sản thể nốt khu trú

- U nang tuyến đường mật

  • U không biểu mô:

- U máu

- U cơ mỡ mạch

  • Tổn thương dạng u:

- Nang gan

- U trung mô

          

15% các trường hợp u gan lành tính có triệu chứng và cần can thiệp điều trị

 

2. Các thể lâm sàng của u gan lành tính

Nhắc đến các khối u gan lành tính hầu hết mọi người đều nghĩ rằng chúng thật sự vô hại, không ảnh hưởng đến cơ thể và cũng không cần điều trị. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng có tới 15% các trường hợp này có triệu chứng, biến chứng hoặc có nguy cơ thoái hóa thành u ác tính và cần phải điều trị phẫu thuật cắt bỏ khối u.

Có 3 dạng u gan lành tính thường gặp nhất và có thể để lại di chứng bao gồm:

  • U mạch máu dạng hang (Cavernous hemangiomas)

Đây là dạng phổ biến nhất, được cấu tạo bởi tế bào nội mô lót bên trong các mạch máu tại gan phồng to tạo nên các khoang mạch máu rải rác khắp nơi.

Hầu hết các khối u này đều nhỏ hơn 1,5 cm do đó chúng không gây ra bất cứ triệu chứng gì. Tuy nhiên, một số trường khợp khối u phát triển lớn bất thường có thể biểu hiện những triệu chứng như khó chịu, đầy bụng, ít gặp hơn là chán ăn, buồn nôn, no nhanh, có thể đau thứ phát do chảy máu hoặc huyết khối.

Đa số các trường hợp u mạch máu dạng hang thường không cần phải can thiệp điều trị. Tuy nhiên trong một số trường hợp khối u phát triển nhanh có nguy cơ vỡ gây xuất huyết phúc mạc hoặc biểu hiện triệu chứng ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bệnh nhân thì lúc này phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp nhanh gọn và hiệu quả nhất.

  • Tăng sản nốt khu trú (Focal nodular hyperplasia)

Tăng sản nốt khu trú hay còn gọi là FNH (Focal nodular hyperplasia). Chúng giống như là những nối kết tụ (nodular) do tế bào gan sinh sản nhanh chóng trong một khu vực nhất định (focal). Đây là loại u lành tính không liên quan đến mạch máu phổ biến nhất và thường được phát hiện ở nữ nhiều hơn nam, nhưng có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào.

Chẩn đoán FNH thường dựa vào CT scan bụng với các hình ảnh đặc trưng. Hầu hết các trường hợp FNH không cần phải điều trị trừ khi khối u này gây đau tức ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của bệnh nhân.

U mạch máu dạng hang là thể lâm sàng thường gặp nhất của u gan lành tính

  • U tuyến gan (Hepatic edenoma)

Các khối u này được tạo thành từ các tế bào biểu mô gan,có kích thước lớn, chứa nhiều glycogen và lipid và không có các chức năng của tế bào bình thường. Các mô xung quanh khối u này thường sẽ tăng sinh mạch máu mạnh và không có ống mật cũng như các vùng mạch – cửa.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng u tuyến gan có liên hệ mật thiết với việc sử dụng thuốc có chứa estrogen đặc biệt là thuốc ngừa thai đường uống hoặc các steroid chuyển hóa tổng hợp khác, nhưng đến nay, cơ chế của sự liên quan này vẫn chưa được hiểu rõ.

Mặc dù ít phổ biến hơn các loại u lành tính khác, u tuyến gan lại rất dễ vỡ gây xuất huyết ổ bụng, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Nếu bệnh nhân u tuyến gan đang sử dụng thuốc ngừa thai đường uống thì nên ngưng ngay hoặc giảm liều.

Trong trường hợp khối u không thoái triển hoặc nằm dưới bao hoặc u > 5 cm thì thường được khuyến cáo phẫu thuật cắt bỏ khối u.

 

3. Điều trị các trường hợp u gan lành tính

Hầu hết các trường hợp u gan lành tính đều không có triệu chứng, bệnh nhân chỉ cần theo dõi định kỳ mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp khối u có triệu chứng hoặc có nguy cơ biến chứng nặng nề thì phẫu thuật cắt bỏ khối u là phương pháp thường được sử dụng. Một số trường hợp được chỉ định phẫu thuật như:

  • Khối u gây ra các biến chứng: Vỡ gây xuất huyết trong ổ bụng, hoại tử áp xe hóa, chèn ép đường mật
  • Khối u lớn gây ra các triệu chứng làm ảnh hưởng đến cuộc sống bệnh nhân
  • Khối u phát triển nhanh về kích thước
  • Nghi ngờ ác tính hoặc có nguy cơ thoái hóa ác tính

Hiện nay, phẫu thuật nội soi cắt bỏ khối u là kỹ thuật thường được sử dụng với ưu điểm như ít đau, thời gian nằm viện ngắn, thẩm mỹ, ít biến chứng.

Phẫu thuật nội soi là phương pháp thường dùng trong điều trị các trường hợp u gan lành tính cần cắt bỏ

U gan lành tính là một bệnh lý tương đối phổ biến. Hầu hết các khối u này thường diễn tiến âm thầm và được phát hiện tình cờ qua chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ nhất định u gan lành tính tiến triển gây ra các biến chứng nặng nề hoặc có thể thoái hóa ác tính. Vì vậy, nếu đã được chẩn đoán u gan lành tính, bạn nên thường xuyên kiểm tra cũng như theo dõi tiến triển của khối u nhằm phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Kiểm tra chức năng gan – mật với Bộ xét nghiệm chức năng gan tại MEC Health sẽ giúp bạn tầm soát, đánh giá tình trạng sức khỏe gan mật định kỳ cũng như theo dõi tiến triển bệnh. Để đặt lịch hẹn, vui lòng liên hệ HELPLINE 0827 222 115  hoặc đăng ký ngay TẠI ĐÂY

 

Tài liệu tham khảo:

1. Bệnh viện Việt Đức, 2020. Chủ quan với u gan lành tính, người bệnh đối mặt với nguy cơ thoái hóa u ác tính. <http://benhvienvietduc.org/chu-quan-voi-u-gan-lanh-tinh-nguoi-benh-doi-mat-voi-nguy-co-thoai-hoa-u-ac-tinh.html>. [Ngày truy cập: 10 tháng 10 năm 2020].

2. Mayo Clinic, 2019. Liver cancer. <https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/liver-cancer/symptoms-causes/syc-20353659>. [Ngày truy cập: 03 tháng 10 năm 2020].

 

 
 
© Copyright 2020 MEC Health . All rights reserved.