Suy gan cấp: Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

 

Suy gan cấp (Acute Liver Failure - ALF) là một thể bệnh rất nặng do hủy hoại ồ ạt tế bào gan làm suy giảm chức năng gan một cách nhanh chóng, dẫn đến tổn thương thứ phát đa cơ quan như hội chứng não gan, hội chứng gan thận, rối loạn đông máu... Bệnh có tiên lượng xấu với tỷ lệ tử vong lên tới 50-90% nếu không được điều trị thích hợp.

 

1. Chẩn đoán suy gan cấp

1.1 Triệu chứng lâm sàng

Bệnh thường biểu hiện các triệu chứng:

  • Mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn
  • Vàng da, niêm mạc, nước tiểu sậm màu
  • Các triệu chứng do rối loạn đông máu: Chảy máu dưới da, xuất huyết tiêu hóa, có thể xuất huyết não
  • Hội chứng não gan với 4 mức độ thay đổi tri giác khác nhau

Người bệnh thường có tiền sử khỏe mạnh hoặc không có biểu hiện các bệnh lý nội khoa nặng nề trước đó.

Chẩn đoán sớm suy gan cấp giúp hạn chế các biến chứng nặng nề

1.2 Cận lâm sàng

  • Xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân

- Nghi ngờ ngộ độc: lấy nước tiểu, máu để xác định cũng như định lượng nồng độ của chất độc.

- Huyết thanh chẩn đoán viêm gan do virus: Viêm gan A (IgM), viêm gan B (HBsAg, Anti HBc, HBV DNA,...), viêm gan C (anti HCV, HCV-RNA),…

- Xét nghiệm kháng thể tự miễn khi nghi ngờ viêm gan tự miễn

  • Xét nghiệm sinh hóa máu đánh giá độ nặng của suy gan cấp

- Tăng bilirubin (nếu tăng > 250 mmol/l bệnh nhân rất nặng).  

- AST và ALT tăng cao khi có tổn thương tế bào gan nặng.  

- INR, NH3, PT, aPTT, yếu tố V, VII, VIII và fibrinogen.Thời gian Prothrombin PT kéo dài ³ 1,5 là yếu tố xác định bệnh nặng.

- Hạ đường máu, hạ natri máu, hạ magie máu, kiềm hô hấp, toan chuyển hóa.

- Tăng ure, creatinin máu.

  • Chẩn đoán hình ảnh

- Siêu âm bụng: Xác định kích thước gan, các hình ảnh đặc trưng để loại trừ các bệnh mạn tính khác.

- CT scan sọ não: Đánh giá phù não, xuất huyết não nếu có.

 

2. Điều trị suy gan cấp

Suy gan cấp là bệnh lý phức tạp, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, vì vậy việc điều trị phải được thực hiện trong phòng chăm sóc đặc biệt. Bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ tổn thương gan cũng như các biến chứng để đưa ra phác đồ điều trị hợp lý.

Hiện nay, chưa có điều trị đặc hiệu cho suy gan cấp, do vậy các biện pháp điều trị bao gồm hồi sức cơ bản, lọc máu hỗ trợ gan ngoài cơ thể, điều trị theo nguyên nhân và ghép gan.

2.1 Hồi sức cơ bản

  • Nằm đầu cao 45o
  • Hồi sức hô hấp
  • Hồi sức tuần hoàn
  • Điều trị chống phù não
  • Các biện pháp hồi sức cơ bản khác

Bệnh nhân suy gan cấp nặng và không thể hồi phục cần thực hiện phẫu thuật ghép gan

2.2 Các biện pháp lọc máu hỗ trợ gan ngoài cơ thể

Các biện pháp lọc máu có vai trò loại bỏ độc chất được sản sinh trong quá trình chuyển hóa, nâng đỡ gan và các cơ quan trong lúc chờ đợi tế bào gan hồi phục hoặc ghép gan. Hiện nay, một số phương pháp lọc máu được sử dụng có thể kể đến:

  • Lọc máu liên tục tĩnh mạch - tĩnh mạch (CVVH) hoặc thẩm tách CVVHD
  • Thay huyết tương
  • Gan nhân tạo

2.3 Điều trị theo nguyên nhân

Việc chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh cực kỳ quan trọng trong việc điều trị và tiên lượng. Dựa vào nguyên nhân gây suy gan cấp, Bác sĩ sẽ có các chỉ định điều trị thích hợp nhằm giảm tốc độ tiến triển cũng như mức độ nặng của bệnh.

  • Viêm gan do virus: Thuốc kháng virus
  • Bệnh lý tự miễn: Corticoids
  • Ngộ độc paracetamol: N-acetycysteine uống hoặc truyền tĩnh mạch
  • Gan nhiễm mỡ cấp do thai kỳ, hội chứng HELLP: Đình chỉ thai nghén

2.4 Ghép gan

Các trường hợp bệnh nhân với suy gan cấp nặng và không thể hồi phục thì ghép gan là phương pháp điều trị duy nhất. Khi có chỉ định ghép gan, Bác sĩ sẽ liên hệ với các đơn vị có thể thực hiện phương pháp này trong khi quá trình hồi sức hỗ trợ vẫn đang diễn ra.

Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ mô gan bị tổn thương và thay vào đó bằng một gan khỏe mạnh của người hiến tặng. Qúa trình này sẽ được theo dõi liên tục để phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra do thải trừ mảnh ghép.

Nên sử sụng thuốc theo chỉ định của Bác sĩ để phòng ngừa suy gan cấp

 

3. Phòng ngừa suy gan cấp

Suy gan cấp là bệnh lý cấp cứu nặng nề với tỷ lệ tử vong rất cao, do đó việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng. Để phòng ngừa một cách hiệu quả, bạn cần:

  • Sử dụng đúng thuốc và theo chỉ định của Bác sĩ
  • Khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng/ lần để phát hiện các vấn đề về gan
  • Tiêm vaccin phòng ngừa viêm gan do virus
  • Xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế rượu bia, chất kích thích
  • Chế độ dinh dưỡng cũng như tập luyện thể dục thể thao hợp lý

Suy gan cấp là một bệnh lý đa cơ quan phức tạp, do nhiều nguyên nhân gây ra. Bệnh thường trải qua nhiều giai đoạn với các triệu chứng điển hình, nếu không được chẩn đoán và điều trị hợp lý nguy cơ tử vong là rất cao. Do đó, khi thấy các dấu hiệu bất thường như vàng da, chán ăn, mệt mỏi,… bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đồng thời, để phòng ngừa suy gan cấp, bạn nên xét nghiệm và chủng ngừa các loại virus viêm gan thường xuyên, thiết lập chế độ ăn uống hợp lý, đặc biệt khi sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của Bác sĩ. 

Kiểm tra chức năng gan với Bộ xét nghiệm chức năng gan- viêm gan  tại MEC Health sẽ giúp bạn tầm soát, đánh giá tình trạng sức khỏe gan mật định kỳ cũng như theo dõi tiến triển bệnh. Để đặt lịch hẹn, vui lòng liên hệ HELPLINE 0827 222 115 hoặc đăng ký ngay TẠI ĐÂY

 

Tài liệu tham khảo:

1. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, 2019. Suy gan cấp. <https://bvnguyentriphuong.com.vn/cac-chuyen-khoa/khoi-noi/noi-tieu-hoa/suy-gan-cap.html>. [ Ngày truy cập: 15 tháng 9 năm 2020].

2. Vũ Văn Đính (2000), “Suy gan cấp”. Cẩm nang cấp cứu, Nhà xuất bản y học, Tr. 187-189.

3. Maxine A., Stephen J. (2013), “Liver, biliary tract, & pancreas disorders”, Current Medical Diagnosis and Treatment, Pp. 662-800.

4. William M., Lee R. (2011), “The management of Acute Liver Failure”, Hepatology: 11, Pp. 1-17.

 

 

 

© Copyright 2020 MEC Health . All rights reserved.