Suy gan cấp (Acute Liver Failure - ALF) là tình trạng tổn thương tế bào gan một cách ồ ạt do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến bệnh cảnh lâm sàng cấp tính với tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được điều trị hợp lý. Vậy, suy gan cấp do những nguyên nhân nào gây ra và biểu hiện các triệu chứng ra sao?
1. Suy gan cấp là gì?
Suy gan cấp (Acute Liver Failure ALF) là bệnh lý đa cơ quan phức tạp xuất hiện sau một tác động có hại đến gan làm cho tế bào gan bị tổn thương một cách ồ ạt. Bệnh đặc trưng bởi các dấu hiệu vàng da, rối loạn đông máu, bệnh não gan tiến triển trong thời gian ngắn ở những người trước đó có chức năng gan bình thường.
Suy gan cấp bao gồm một loạt các hội chứng lâm sàng được quy định bởi tuổi, nguyên nhân và thời gian xuất hiện bệnh. Diễn tiến tự nhiên của bệnh rất khác nhau và tỉ lệ tử vong nếu không ghép gan thay đổi từ 50-90% tùy theo nghiên cứu. Nhiễm trùng huyết và phù não là hai nguyên nhân chính gây tử vong trong quá trình bệnh.
Suy gan cấp là tình trạng tế bào gan bị hủy hoại ồ ạt
2. Suy gan cấp do những nguyên nhân nào gây ra?
Việc xác định nguyên nhân có tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình điều trị cũng như tiên lượng vì nó giúp Bác sĩ lựa chọn các phương pháp điều trị đặc hiệu, chính xác và kịp thời. Một số nguyên nhân gây bệnh thường gặp:
- Do các virus viêm gan A, B, C, E virus (viêm gan B là nguyên nhân phổ biến nhất ở Việt Nam).
- Các virus khác: Cytomegalovirus, Herpes, Epstein Barr, Thủy đậu.
- Vi khuẩn: gặp ở những bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng và sốc nhiễm khuẩn, tỷ lệ tổn thương gan và suy gan cấp tới 20 - 25%.
- Ký sinh trùng: sốt rét, sán lá gan, giun.
- Hay gặp nhất là Paracetamol kể cả với liều điều trị thông thường ở bệnh nhân nghiện rượu, hoặc được sử dụng cùng với các thuốc chuyển hóa qua enzyme Cytochrome 450 như các thuốc chống co giật.
- Các thuốc khác: Isoniazide, Rifampicin, thuốc chống viêm không Steroid, Sulphonamides, Phenytoin, Tetracycline, Allopurinol,Ketoconazole, IMAO...
- Ngộ độc các thuốc đông y, đặc biệt là chất bảo quản thuốc.
Hay gặp nhất là nấm Amanita Phalloides, chứa độc tố Amatoxin tấn công tế bào gan, thận. Bệnh nhân chỉ cần ăn phải một lượng nhỏ cũng có thể dẫn đến tử vong.
Quá liều paracetamol là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy gan cấp
- Bệnh Wilson: Bệnh thường xảy ra vào độ tuổi từ 6-20 và được đặc trưng bởi thiếu máu tán huyết có test Coombs âm tính và vòng Kayer-Fleischer ở mắt trong đa số trường hợp.
- Hội chứng Budd-Chiari: Bệnh được gây ra bởi sự tắc nghẽn tĩnh mạch gan làm cho máu không thể chảy ra khỏi gan để trở về tim dẫn đến tổn thương các tế bào gan.
- Viêm gan nhiễm mỡ cấp trong thai kỳ: Đây là một biến chứng nghiêm trọng trong giai đoạn mang thai, thường xảy ra trong 3 tháng cuối, do rối loạn chức năng chuyển hóa lipid dẫn đến tích tụ quá mức trong gan.
3. Suy gan cấp biểu hiện các triệu chứng như thế nào?
Bệnh nhân suy gan cấp thường có tiền sử khỏe mạnh hoặc không có biểu hiện tiền sử bệnh lý nặng nề trước đó. Bệnh khởi phát với triệu chứng: mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn và sau đó các triệu chứng điển hình bắt đầu xuất hiện như:
- Độ I: Thay đổi trạng thái tình cảm, giảm tập trung, rối loạn giấc ngủ
- Độ II: Lơ mơ, u ám, hành vi bất thường, ứng xử không phù hợp mất định hướng, còn đáp ứng với lời nói
- Độ III: Ngủ gà, không đáp ứng với lời nói, u ám rõ, tăng phản xạ
- Độ IV: Hôn mê, biểu hiện mất não, có thể còn đáp ứng với kích thích đau
Suy gan cấp biểu hiện với nhiều triệu chứng và thay đổi qua các giai đoạn khác nhau
Dựa vào trình tự biểu hiện các triệu chứng lâm sàng, người ta có thể phân chia suy gan cấp thành các giai đoạn khác nhau:
- Tiền triệu: là giai đoạn chưa có vàng da
- Giai đoạn trung gian: đánh dấu bằng sự xuất hiện của vàng da
- Giai đoạn cuối biểu hiện của bệnh não gan
- Suy gan tối cấp 7 ngày
- Suy gan cấp 8 - 28 ngày.
- Suy gan bán cấp 5 - 12 tuần.
Suy gan cấp là một bệnh lý đa cơ quan phức tạp, do nhiều nguyên nhân gây ra. Bệnh thường trải qua nhiều giai đoạn với các triệu chứng điển hình, nếu không được chẩn đoán và điều trị hợp lý nguy cơ tử vong rất cao. Do đó, khi thấy các dấu hiệu bất thường như vàng da, chán ăn, mệt mỏi,… bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đồng thời, để phòng ngừa suy gan cấp, bạn nên xét nghiệm và chủng ngừa các loại virus viêm gan thường xuyên, thiết lập chế độ ăn uống hợp lý, đặc biệt khi sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của Bác sĩ.
Kiểm tra chức năng gan với Bộ xét nghiệm chức năng gan- viêm gan tại MEC Health sẽ giúp bạn tầm soát, đánh giá tình trạng sức khỏe gan mật định kỳ cũng như theo dõi tiến triển bệnh. Để đặt lịch hẹn, vui lòng liên hệ HELPLINE 0827 222 115 hoặc đăng ký ngay TẠI ĐÂY
Tài liệu tham khảo:
1. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, 2019. Suy gan cấp. <https://bvnguyentriphuong.com.vn/cac-chuyen-khoa/khoi-noi/noi-tieu-hoa/suy-gan-cap.html>. [ Ngày truy cập: 15 tháng 9 năm 2020].
2. Vũ Văn Đính (2000),“Suy gan cấp”. Cẩm nang cấp cứu, Nhà xuất bản y học, Tr. 187-189.
3. Maxine A., Stephen J. (2013), “Liver, biliary tract, & pancreas disorders”, Current Medical Diagnosis and Treatment, Pp. 662-800.
4. William M., Lee R. (2011), “The management of Acute Liver Failure”, Hepatology: 11, Pp. 1-17.