Sỏi túi mật: Yếu tố nguy cơ, triệu chứng và chẩn đoán

 

Sỏi túi mật là một trong những bệnh lý túi mật rất phổ biến ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Hằng năm, người ta ghi nhận hàng triệu trường hợp mắc mới và rất nhiều ca cấp cứu liên quan. Vậy, sỏi túi mật có những triệu chứng, yếu tố nguy cơ như thế nào và cách chẩn đoán ra sao?

 

1. Những đối tượng có nguy cơ mắc sỏi túi mật

Sỏi túi mật hình thành dựa trên sự tích tụ cholesterol, billirubin và muối calci. Vì vậy, những đối tượng có yếu tố nguy cơ mắc bệnh cao thường kèm theo rối loạn chuyển hóa 1 trong 3 chất này hoặc gặp vấn đề liên quan đến sự tích tụ và phóng thích dịch mật. Các yếu tố nguy cơ của bệnh thường là:

  • Thừa cân hay béo phì
  • Chế độ ăn uống giàu chất béo, ít xơ và rau xanh
  • Những người làm công việc phải ngồi nhiều, ít vận động
  • Chế độ ăn kiêng quá khắt khe
  • Dùng thuốc chứa estrogen liều cao kéo dài
  • Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai
  • Người trên 40 tuổi
  • Trẻ em với bệnh lý tán huyết di truyền
  • Tiền sử gia đình
  • Những người đang bị đái tháo đường hoặc bệnh Crohn

Chế độ ăn kiêng quá khắt khe có thể làm tăng nguy cơ mắc sỏi túi mật

 

2. Triệu chứng của sỏi túi mật biểu hiện như thế nào?

Đa số các trường hợp bị sỏi túi mật đều diễn tiến âm thầm, không gây bất cứ triệu chứng gì, thường phát hiện tình cờ qua thăm khám và siêu âm bụng tổng quát.

Một số nghiên cứu đã cho thấy, trong thời gian 20 năm, chỉ có khoảng 20% các trường hợp có triệu chứng hoặc biến chứng cần điều trị. Bệnh nhân có triệu chứng có thể biểu hiện bằng 1 trong 3 bệnh cảnh lâm sàng sau:

  • Cơn đau quặn mật:

Đau bụng với tính chất là quặn từng cơn, mức độ dữ dội ở hạ sườn phải hoặc thượng vị, khởi phát đột ngột và tự hết sau vài phút đến vài giờ. Cơn đau thường xuất hiện sau bữa ăn và tái phát nhiều lần.

Cơ chế của cơn đau quặn mật là do sỏi lọt vào cổ túi mật hay ống mật chủ gây tắc nghẽn làm căng thành túi mật. Để phản ứng lại với tình trạng tắc nghẽn đó, thành túi mật tăng co bóp để tống xuất viên sỏi xuống tá tràng.

  • Viêm túi mật cấp

Triệu chứng của viêm túi mật cấp là do sự tắc nghẽn ở cổ túi mật hay ống mật chủ gây ra bởi sỏi túi mật kéo dài mà không được giải quyết.

- Đau bụng: Tính chất tương tự như cơn đau quặn mật nhưng thời gian đau thường kéo dài đến vài ngày.

- Sốt: Là dấu hiệu cho thấy tình trạng nhiễm trùng, nặng nề hơn là thủng túi mật, viêm - phúc mạc nhiễm khuẩn thứ phát.

- Buồn nôn, nôn: Có thể là do kích thích hệ tiêu hóa.

- Khám: Ấn điểm đau Murphy, có thể sờ thấy khối to và đau ở vùng hạ sườn phải, phản ứng thành bụng hay gồng cứng thành bụng.

  • Viêm túi mật mạn

Một số trường hợp, sỏi có thể gây ra tình trạng viêm thành túi mật, gây xơ hóa, mất chức năng của thành túi mật. Triệu chứng thường biểu hiện:

- Cơn đau quặn mật tái phát nhiều lần

- Khoảng 50% có chướng bụng

- Có thể nôn hoặc buồn nôn

- Đôi khi có sốt hoặc vàng da

Sỏi túi mật thường không có triệu chứng và phát hiện tình cờ qua khám và siêu âm bụng

 

3. Sỏi túi mật được chẩn đoán bằng cách nào?

Khoảng 80% các trường hợp sỏi túi mật không biểu hiện triệu chứng lâm sàng, vì vậy, việc chẩn đoán thường dựa vào chẩn đoán hình ảnh. Hiện nay, siêu âm bụng thường được sử dụng nhiều nhất để chẩn đoán sỏi túi mật với chi phí thấp, độ nhạy lên đến 95%, độ đặc hiệu 98%. Ngoài ra còn một số phương pháp khác có thể kể đến:

  • Chụp cắt lớp điện toán (CT scan)
  • Chụp mật tụy ngược dòng qua nội soi (ERCP) giúp chẩn đoán và lấy sỏi
  • Chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRI)
  • Siêu âm qua nội soi (EUS)

Sỏi túi mật là một căn bệnh rất phổ biến ở Việt Nam và trên toàn thế giới, diễn ra một cách âm thầm và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng nề. Hiểu được triệu chứng cũng như chẩn đoán bệnh giúp bạn có thể phát hiện sớm các dấu hiệu của sỏi túi mật, từ đó thể điều trị và phòng ngừa một cách dễ dàng.

Kiểm tra chức năng gan – mật tại MEC Health sẽ giúp bạn đánh giá, theo dõi tình trạng sức khỏe gan mật định kỳ cũng như theo dõi tiến triển bệnh. Để được tư vấn gói khám phù hợp và đặt lịch hẹn, vui lòng liên hệ HELPLINE 0827 222 115 hoặc đăng ký ngay TẠI ĐÂY

 

Tài liệu tham khảo:

1. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, 2016. Cơ chế hình thành sỏi mật. <https://bvnguyentriphuong.com.vn/cac-chuyen-khoa/khoi-noi/noi-tieu-hoa/co-che-hinh-thanh-soi-mat.html>. [Ngày truy cập: 21 tháng 8 năm 2020].

2. National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases (NIDDK), 2017. Gallstones. Available at <https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/gallstones>. [Accessed 21 August 2020].

 

 

© Copyright 2020 MEC Health . All rights reserved.