Sỏi túi mật: Nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa

 

Sỏi túi mật là một bệnh lý túi mật rất phổ biến ở Việt Nam và trên cả thế giới. Tại Mỹ, có khoảng 20 triệu người mắc bệnh lý này (chiếm 10% dân số) và mỗi năm người ta lại phát hiện một triệu ca mắc mới, tạo nên một áp lực lớn cho nền y tế. Vậy, nguyên nhân sỏi túi mật là gì và có thể phòng ngừa như thế nào?

 

1. Sỏi túi mật là gì?

Sỏi túi mật thực tế không phải là viên sỏi mà là một chất rắn được kết tinh trong túi mật do sự lắng đọng của các chất trong dịch mật, thành phần cơ bản là 1 trong 3 chất: cholesterol, billirubin, muối calci. Về thành phần cấu tạo, sỏi túi mật được chia làm 3 loại:

  • Sỏi cholesterol:

Như tên gọi, thành phần chính của sỏi là cholesterol-một chất không tan được trong nước. Bình thường, trong túi mật, cholesterol sẽ kết hợp với muối mật và lecithin tạo thành các micelle hòa tan trong nước.

Khi sự cân bằng nồng độ giữa cholesterol, lecithin, muối mật bị phá vỡ (mà thường gặp nhất là sự gia tăng cholesterol do chế độ ăn, bệnh lý gan, rối loạn lipid…), cholesterol dư thừa sẽ bị kết tinh, hình thành nên sỏi cholesterol.

Phần lớn sỏi túi mật ở Việt Nam là sỏi sắc tố

  • Sỏi sắc tố

Sỏi sắc tố được cấu tạo bởi billirubin không hòa tan, tinh thể calci hoặc phosphat, trong đó billirubin chiếu ưu thế. Đây là loại sỏi túi mật thường gặp nhất ở Việt Nam.

Bình thường, khi hồng cầu chết đi, nhân hem trong tế bào sẽ bị thoái giáng thành billirubin gián tiếp (không tan trong nước), được các protein vận chuyến tới gan. Tại gan, billirubin gián tiếp sẽ liên hợp với acid glucuronic tạo thành billirubin trực tiếp tan trong nước và được dự trữ, bài xuất bởi túi mật.

Khi billirubin được tạo ra quá mức ở những bệnh nhân tán huyết, xơ gan hoặc nhiễm khuẩn đường mật làm cho lượng billirubin gián tiếp không hòa tan tăng cao, kết hợp với các tinh thể calci, phosphat sẽ tạo thành sỏi sắc tố.

  • Sỏi hỗn hợp

Sỏi hỗn hợp được cấu tạo bởi nhiều thành phần, trong đó không có thành phần nào chiếm ưu thế. Cơ chế hình thành sỏi hỗn hợp dựa trên ứ đọng dịch mật, lắng đọng và tạo sỏi, thường gặp ở những đối tượng có lối sống ít hoạt động, ngồi nhiều hay ăn kiêng tuyệt đối.

 

2. Nguyên nhân gây sỏi túi mật

Sỏi túi mật có thể xảy ra do nhiều yếu tố, tuy nhiên, trên lâm sàng, người ta phân chia nguyên nhân gây bệnh thành 3 nhóm chính:

  • Do bệnh lý
  • Bệnh tán huyết: Bệnh lý tán huyết thường liên quan đến di truyền gây phá hủy hồng cầu, là nguyên nhân thường gặp của sỏi sắc tố.
  • Xơ gan: Trong xơ gan, chức năng của tế bào gan bị suy giảm làm cho nồng độ billirubin gián tiếp không tan tăng cao, tạo điều kiện hình thành sỏi sắc tố.
  • Thừa cân, béo phì: Cân nặng quá tải dẫn đến các vấn đề về mỡ máu, tăng cholesterol, góp phần hình thành sỏi cholesterol.

   Tập thể dục mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ sỏi túi mật

  • Do thói quen sinh hoạt
  • Lười vận động: Thường gặp ở những người làm văn phòng, lái xe, công việc ngồi nhiều làm dịch mật bị ứ trệ.
  • Chế độ ăn uống không khoa học: Liên quan đến chế độ ăn nhiều dầu mỡ, ít chất xơ, rau xanh làm tăng cholesterol trong máu góp phần hình thành nên sỏi.
  • Chế độ ăn kiêng: Với chế độ ăn kiêng tuyệt đối chất béo khiến nhu cầu bài tiết dịch mật giảm thiểu, túi mật ít hoạt động co bóp gây ứ đọng dịch mật, tạo nguy cơ hình thành sỏi.

 

3. Phòng ngừa sỏi túi mật

Hiện nay, nguyên nhân gây ra sỏi túi mật phần lớn là do chế độ sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh bằng cách:

  • Tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày
  • Chế độ ăn uống khoa học, giảm chất béo, giàu chất xơ, rau xanh
  • Hạn chế ăn kiêng, không bỏ bữa
  • Duy trì tốt cân nặng thông qua chế độ ăn và tập luyện
  • Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ

Sỏi túi mật là một căn bệnh rất phổ biến ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Hiện nay, các vấn đề liên quan đến bệnh do chế độ sinh hoạt ngày càng tăng và chiếm ưu thế. Vì vậy, thiết lập một chế độ ăn uống, làm việc và tập luyện thể thao hợp lý sẽ giúp bạn phòng ngừa một cách hiệu quả.

Kiểm tra chức năng gan – mật tại MEC Health sẽ giúp bạn đánh giá, theo dõi tình trạng sức khỏe gan mật định kỳ cũng như theo dõi tiến triển bệnh. Để được tư vấn gói khám phù hợp và đặt lịch hẹn, vui lòng liên hệ HELPLINE 0827 222 115 hoặc đăng ký ngay TẠI ĐÂY

 

Tài liệu tham khảo:

1. Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, 2016. Cơ chế hình thành sỏi mật. <https://bvnguyentriphuong.com.vn/cac-chuyen-khoa/khoi-noi/noi-tieu-hoa/co-che-hinh-thanh-soi-mat.html>. [Ngày truy cập: 21 tháng 8 năm 2020].

2. National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases (NIDDK), 2017. Gallstones. Available at <https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/gallstones>. [Accessed 21 August 2020].

 

 

 

© Copyright 2020 MEC Health . All rights reserved.