Làm thế nào để nhận biết u gan lành tính hay ác tính

 

U gan là sự phát triển, tăng sinh của một nhóm thế bào gan mà không chịu sự kiểm soát của cơ thể. Nhắc đến khối u tại gan chắc hẳn hầu hết mọi người đều nghĩ tới ung thư gan, nhưng trên thực tế đa số các trường hợp này đều là u lành tính. Vậy làm cách nào để nhận biết u gan lành tính hay ác tính?

 

1. U gan là gì?

Để định nghĩa u gan một cách rõ ràng, bạn cần hiểu rõ bản chất, các thể lâm sàng cũng như sự phát triển của khối u ở gan.

1.1 Khối u là gì?

Hiện nay, Tổ chức chống ung thư quốc tế (UICC-union international control of cancer) đã định nghĩa khối u hay khối tân sản (neoplasm) là danh từ chỉ khối tế bào mới xuất hiện, hình thành do rối loạn sự tăng sản quá mức tế bào (hyperplasia) từ một dòng đã trở thành bất thường, sự tăng sản này không có mối tương quan nào với yêu cầu của cơ thể, khối u có thể tiến triển lành tính hay ác tính.

Hiểu đơn giản, khối u có nghĩa là sự tăng sinh quá mức một nhóm tế bào mà không chịu sự kiểm soát của cơ thể.

Sự phát triển của khối u bao gồm 3 đặc điểm chính:

  • Phát triển tự quản: Mất sự kiểm soát về phát triển và không phụ thuộc vào các yếu tố phát triển.
  • Phát triển quá mức: Nghĩa là sự phát triển này rất mạnh mẽ, không dừng lại và không có giới hạn.
  • Rối loạn sự sắp xếp của cơ quan và tổ chức: Các tế bào của khối u không tuân theo quá trình biệt hóa chung của cơ quan trong cơ thể.

Các tế bào u gan ác tính có thể đi vào máu-bạch huyết di căn tới các cơ quan khác

1.2 Các thể lâm sàng của u gan

Dựa trên, đặc tính mô học, các biểu hiện lâm sàng và hậu quả có thể để lại mà người ta phân chia tình trạng này thành hai thể lành tính và ác tính.

  • Thể lành tính

Chúng là những tế bào biệt hóa cao, có hình dạng và chức năng gần giống với các tế bào bình thường trong cơ quan. Khối u này thường được bao bọc bởi một tổ chức liên kết, giới hạn rõ với phần mô bình thường.

Những hậu quả mà u gan lành tính mang lại thường là do sự phát triển, chèn ép các cấu trúc xung quanh,hoặc vỡ gây xuất huyết ổ bụng, vấn đề này sẽ được loại bỏ hoàn toàn thông qua phẫu thuật cắt bỏ khối u.

  • Thể ác tính

Chúng là những tế bào không đồng nhất, hình thái biến đổi nhiều. Điều này biểu hiện có sự giảm hoặc mất biệt hóa của các tế bào ác tính.

U gan ác tính không có vỏ bọc, các tế bào ác tính xâm lấn vào mô bình thường làm cho ranh giới giữa khối u và vùng xung quanh thường không rõ ràng.

Các tế bào này phát triển nhanh chóng, cạnh tranh với tế bào bình thường gây suy giảm chức năng gan, đặc biệt, chúng có thể theo đường máu-bạch huyết, di căn tới các cơ quan khác.

 

2. Làm thế nào để phân biệt u gan lành tính và ác tính?

Ngày nay, với sự phát triển của nền y học, vấn đề phân biệt u gan lành tính hay ác tính thường tương đối dễ dàng, thông qua biểu hiện triệu chứng cũng như các xét nghiệm đặc hiệu.

2.1 Biểu hiện triệu chứng

  • Thể lành tính:

Các trường hợp này tương đối phổ biến, hầu hết không biểu hiện triệu chứng và được phát hiện tình cờ qua chẩn đoán hình ảnh như siêu âm.

Một số người có thể biểu hiện các triệu chứng như mệt mỏi, chán ăn, khó chịu hoặc căng tức ở vùng hạ sườn phải. Khối u thường phát triển chậm, kích thước tăng ít hoặc có thể giảm qua nhiều năm và hiếm khi chuyển thành ác tính.

  • Thể ác tính

Các bệnh nhân với u gan ác tính thường trải qua nhiều giai đoạn với các triệu chứng khác nhau trên một bệnh nhân có các bệnh lý gan trước đó hoặc gia đình có người bị ung thư gan. Một số triệu chứng thường gặp có thể là:

- Sốt nhẹ, thường về chiều

- Chán ăn, sụt cân (giảm >5% cân nặng trong vòng 6-12 tháng)

- Vã mồ hôi về đêm, có thể kèm theo đau nhứt xương khớp

- Các triệu chứng tại gan có thể gặp như: vàng da, đau hạ sườn phải, chướng bụng…

CT Scan là chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng để phân biệt u gan lành tính hay ác tính

2.2 Xét nghiệm cận lâm sàng

Hiện nay, một số phương pháp cận lâm sàng được sử dụng để phân biệt u gan lành tính hay ác tính có thể kể đến:

  • Siêu âm bụng
  • CT-scan
  • Xét nghiệm chức năng gan
  • Xét nghiệm Alpha Fetoprotein máu
  • Sinh thiết gan làm giải phẫu bệnh khối u

 

3. Các biện pháp phòng ngừa u gan

Các trường hợp u gan thường không biểu hiện triệu chứng đặc hiệu và thường được phát hiện qua siêu âm bụng hoặc các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh khác. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu của thể ác tính thường không biểu hiện triệu chứng, vì vậy, hầu hết các trường hợp không phát hiện mình bị bệnh. Khi có các dấu hiệu đặc trưng thì bệnh đã ở giai đoạn cuối. Vì vậy, vấn đề phòng ngừa u gan là vô cùng quan trọng. Bạn có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh thông qua các biện pháp như:

  • Hạn chế rượu bia, chất kích thích gây ảnh hưởng đến gan
  • Chế độ ăn uống, vận động thể lực hợp lý để duy trì cân nặng lý tưởng
  • Sử dụng thuốc theo toa và theo chỉ định của Bác sĩ
  • Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm các bệnh lý của gan

Khám sức khỏe định kỳ giúp bạn phát hiện u gan từ giai đoạn sớm

U gan là một bệnh lý diễn tiến âm thầm với đa số các trường hợp biểu hiện u lành tính và không cần can thiệt điều trị. Tuy nhiên các trường hợp u gan ác tính ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng hay biểu hiện đặc trưng vì thế người bệnh thường không biết mình bị bệnh. Khi có các biểu hiện đặc trưng khiến bệnh nhân lo lắng và đến gặp Bác sĩ thì bệnh đã ở giai đoạn cuối. Do đó, bạn nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ và thực hiện các xét nghiệm tầm soát nhằm phòng ngừa cũng như phát hiện bệnh từ giai đoạn sớm.

Kiểm tra chức năng gan – mật với Bộ xét nghiệm chức năng gan tại MEC Health sẽ giúp bạn tầm soát, đánh giá tình trạng sức khỏe gan mật định kỳ cũng như theo dõi tiến triển bệnh. Để đặt lịch hẹn, vui lòng liên hệ HELPLINE 0827 222 115  hoặc đăng ký ngay TẠI ĐÂY

 

Tài liệu tham khảo:

1. Bệnh viện K, 2019. Những điều cần biết về ung thư gan. <https://benhvienk.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-ung-thu-gan-nd83800.html>. [Ngày truy cập: 3 tháng 10 năm 2020].

2. Bệnh viện 103, 2015. Khối u. <http://www.benhvien103.vn/vietnamese/bai-giang-chuyen-nganh/giai-phau-benh-ly---y-phap/khoi-u/1143/ >. [Ngày truy cập: 3 tháng 10 năm 2020].

3. Mayo Clinic, 2019. Liver cancer. <https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/liver-cancer/symptoms-causes/syc-20353659>. [Ngày truy cập: 03 tháng 10 năm 2020].

 

 

 

© Copyright 2020 MEC Health . All rights reserved.