Xét nghiệm viêm gan B vô cùng cần thiết nhằm mục đích sàng lọc và chẩn đoán bệnh vì đây là một bệnh lý truyền nhiễm và tiến triển rất âm thầm. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, virus sẽ gây tổn thương rất nghiêm trọng cho tế bào gan và có thể dẫn đến xơ gan hoặc nghiêm trọng hơn là ung thư gan. Tuy nhiên việc đọc hiểu kết quả xét nghiệm viêm gan B có thể gây khó khăn cho nhiều bệnh nhân.
1. Khi nào cần xét nghiệm viêm gan B?
Đầu tiên bạn cần biết nguyên nhân gây nên viêm gan B.
Đây là một bệnh phổ biến toàn cầu, do virus HBV (Hepatitis B virus) hay virus viêm gan B gây ra. Bệnh có thể lây truyền qua đường máu, đường tình dục, từ mẹ truyền sang con. Khi xâm nhập vào cơ thể, virus viêm gan B có thể ủ bệnh trong thời gian từ 3 – 6 tháng, sau đó bắt đầu tấn công trực tiếp vào các mô khỏe mạnh trong gan dẫn đến bệnh viêm gan B cấp tính.
Nếu virus tồn tại quá lâu trong cơ thể người mà cơ thể không có khả năng tiêu diệt hết hoặc không được xét nghiệm viêm gan B và điều trị thì sẽ dễ dẫn đến viêm gan B mạn tính, lúc này tỷ lệ dẫn tới xơ gan và ung thư gan là rất cao.
Nếu mẹ nhiễm virus viêm gan B thì khả năng lây cho con là hơn 80% và khoảng 90% trẻ sinh ra sẽ mang virus viêm gan B mạn tính. Do đó, thực hiện xét nghiệm viêm gan B khi bạn phát hiện cơ thể có các dấu hiệu bất thường sau:
• Chán ăn và mệt mỏi: Khi virus viêm gan B tấn công các tế bào gan thì chức năng của gan sẽ bị suy giảm. Điều này gây rối loạn quá trình tiết dịch mật hỗ trợ đường ruột tiêu hóa thức ăn. Dẫn đến tình trạng xuất hiện cảm giác ăn uống lâu tiêu, chán ăn, mất cảm giác ngon miệng.
• Rối loạn tiêu hoá: Gan góp mặt vào quá trình tiêu hóa. Vì thế, khi bị viêm gan B, một số hiện tượng rối loạn tiêu hóa xuất hiện như ăn lâu tiêu, đầy bụng, tiêu chảy, đi ngoài phân nát. Hiện tượng đi ngoài phân bạc màu xảy ra khi gan tổn thương chèn ép ống mật gây hiện tượng ứ mật.
Xét nghiệm viêm gan B khi thấy các triệu chứng bất thường ở đường tiêu hoá
• Vàng da: Chỉ xuất hiện ở người bệnh viêm gan B nặng, nếu thấy xuất hiện triệu chứng này thì bạn hãy sớm tới bệnh viện kiểm tra.
• Nước tiểu màu vàng: Thông thường nhịn tiểu lâu cũng làm nước tiểu đậm màu, tuy nhiên nếu bạn đi tiểu thấy nước có màu vàng cho dù đã uống nhiều nước thì nên chủ động làm xét nghiệm viêm gan B bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo.
• Cảm thấy đau tức vùng gan: Đây không được xem là dấu hiệu đặc trưng, nhưng giúp bạn phần nào nghi ngờ về tình trạng sức khoẻ của gan.
2. Đọc hiểu kết quả xét nghiệm viêm gan B
Xét nghiệm viêm gan B được thực hiện bằng cách phát hiện các loại kháng nguyên của virus như HBsAg, HBeAg cùng với các loại kháng thể anti-HBs, anti-HBc và anti-HBe tương ứng trong máu của bạn. Vậy bản chất của chúng là gì?
2.1 Xét nghiệm HBsAg
HBsAg là kháng nguyên bề mặt virus, kết quả được đọc là dương tính hoặc âm tính.
• Dương tính: Cơ thể bạn đã bị virus viêm gan B xâm nhập, chúng sẽ nhân lên nhanh chóng trong vòng khoảng 2 tháng kể từ khi mắc nhiễm.
• Âm tính: Kết quả này cho thấy hoặc bạn không bị mắc viêm gan B, hoặc bạn đã từng bị nhưng đã khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên cũng cần lưu ý trường hợp giai đoạn phơi nhiễm, đối với trường hợp này thường bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm xét nghiệm Anti-HBc.
Hiện nay có 2 loại đối với xét nghiệm này đó là xét nghiệm định tính và định lượng:
• Xét nghiệm HBsAg định tính: Cho biết tình trạng cơ thể có bị nhiễm virus viêm gan B hay không, tuy nhiên không đánh giá được tải lượng cũng như khả năng lây nhiễm và mức độ, cần thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để đánh giá.
• Xét nghiệm HBsAg định lượng: Xét nghiệm cho phép xác định được nồng độ của kháng nguyên HBsAg là nhiều hay ít, từ đó hỗ trợ Bác sĩ trong công tác theo dõi, đánh giá kết quả của quá trình điều trị.
Xét nghiệm HBsAg chỉ điểm tình trạng nhiễm virus Viêm gan B
2.2 Xét nghiệm HBsAb (Anti-HBs)
HBsAb là kháng thể kháng nguyên bề mặt viêm gan B.
2.3 Xét nghiệm HBeAg
HBeAg là kháng nguyên e của virus viêm gan B, đây là một đoạn kháng nguyên vỏ capsid của virus.
• Xét nghiệm HBeAg dương tính cảnh báo virus viêm gan B đang trong trạng thái hoạt động và khả năng lây nhiễm cao.
• Xét nghiệm HBeAg âm tính nói lên virus hoặc đang ở thể đột biến hoặc đang không hoạt động, hầu như không có khả năng gây tổn thương cho gan.
2.4 Xét nghiệm HBeAb (Anti-HBe)
- HBeAb là loại kháng thể kháng HBeAg. Kết quả xét nghiệm cho biết bạn có hay không có miễn dịch với virus HBV.
• Trường hợp HBeAb dương tính: Người bệnh có miễn dịch một phần.
• Trường hợp HBeAb âm tính: Người bệnh chưa có khả năng miễn dịch với virus bệnh viêm gan B.
Xét nghiệm viêm gan B Anti-HBe cho biết tình trạng miễn dịch của cơ thể
- Xét nghiệm HBeAg và HBeAb thường được chỉ định thực hiện cùng nhau. Kết quả thu được phân thành 4 nhóm góp phần chẩn đoán như sau:
• HBeAg dương tính và HBeAb âm tính: Virus đang hoạt động mạnh, nhân bản và gây viêm gan tiến triển và rất dễ lây lan.
• HBeAg âm tính và HBeAb dương tính: Virus HBV đã ngừng phát triển. Khả năng lây lan giảm mạnh dó cơ thể bạn đã có miễn dịch một phần. Tuy nhiên, không thể loại trừ trường hợp thể đột biến hoang dại của virus.
• HBeAg dương tính và HBeAb dương tính: Sự cân bằng giữa kháng nguyên với kháng thể do phức hợp miễn dịch. Trường hợp này cần được tiếp tục theo dõi.
• HBeAg âm tính và HBeAb âm tính: Biến thể Pre-Core. Có thể là giai đoạn cửa sổ miễn dịch trong quá trình chuyển đảo huyết thanh.
2.5 Xét nghiệm HBcAb (Anti-HBc)
HBcAb là một kháng thể kháng lại kháng nguyên lõi HBcAg.
Nếu xét nghiệm viêm gan B thấy kháng thể này dương tính thì có nghĩa là bệnh nhân đang hoặc đã từng nhiễm virus viêm gan B, mang ý nghĩa đánh giá sự phơi nhiễm của bệnh nhân. Tuy nhiên điểm lưu ý là Anti-HBc chỉ được tạo ra khi cơ thể bạn đã nhiễm virus viêm gan B và nó không hình thành sau khi tiêm vắc xin.
Về cơ bản có 2 loại kháng thể HBcAb là IgM và IgG:
- IgM: Trong giai đoạn viêm gan B cấp tính hoặc đợt cấp của viêm gan B mạn tính, kháng thể này xuất hiện và gia tăng nồng độ nhanh chóng. Sau giai đoạn cấp, nồng độ của nó trong máu sẽ giảm dần theo thời gian.
- IgG: Kháng thể này xuất hiện trong giai đoạn nhiễm viêm gan B mạn tính.
Với tính chất phức tạp trong việc phát hiện và dự phòng bệnh, viêm gan B là một căn bệnh nguy hiểm khi nó huỷ hoại cơ thể một cách thầm lặng. Do đó, khi nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên chủ động đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín để xét nghiệm viêm gan B thường xuyên nhằm phát hiện kịp thời và giảm thiểu nguy cơ bệnh tiến triển nặng.
Để quá trình thăm khám và xét nghiệm được thuận tiện, nhanh chóng và tiết kiệm thời gian hơn, bạn có thể đặt lịch hẹn lấy mẫu xét nghiệm tại nhà cùng MEC Health. MEC Health là đơn vị cung cấp dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà - liên kết với Medic Hòa Hảo. Khi đặt hẹn lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, bạn sẽ nhận được kết quả online nhanh nhất và hoàn toàn bảo mật, đồng thời bạn cũng nhận được 1 bản cứng gửi đến tận nhà (xét nghiệm được thực hiện bởi Medic Hòa Hảo). Để đặt lịch hẹn lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, quý bệnh nhân có thể liên hệ MEC Health qua Hotline/ Zalo/ Viber 0827222115 hoặc đăng ký ngay TẠI ĐÂY
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Y Tế. (2014). Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm gan vi rút B. Hà Nội.
2. Vinmec International Hospital. (2019). Hướng dẫn xem kết quả xét nghiệm viêm gan B <https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/huong-dan-xem-ket-qua-xet-nghiem-viem-gan-b/>. [Ngày truy cập: 01 tháng 03 năm 2022]