Gan nhiễm mỡ: Bệnh mãn tính ảnh hưởng tới 20-30% dân số Việt Nam

 

Gan nhiễm mỡ là một bệnh lý phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thể giới. Hiện nay, điều kiện sống của người dân ngày càng cải thiện, lối sống cũng thay đổi rất nhiều dẫn tới tỷ lệ người mắc căn bệnh này ngày càng gia tăng và trở thành một vấn đề sức khỏe đáng báo động. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin cho bạn về gan nhiễm mỡ và những vấn đề liên quan.

 

1. Gan nhiễm mỡ là gì?

Gan là cơ quan lớn nhất trong cơ thể, đóng vai trò như một nhà máy khổng lồ với các chức năng chính là chuyển hóa, dự trữ, tạo mật và chống độc tố. Ở người bình thường, lượng mỡ trong gan rất thấp, chỉ chiếm 2-4% trọng lượng của gan, đây là phần trăm tối ưu để gan thực hiện chức năng một cách hiệu quả nhất. Ở những người mắc bệnh, lượng mỡ tích tụ trong gan tăng cao (>5% trọng lượng), gây ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của gan.

Dựa vào nguyên nhân cũng như bệnh sinh, nó được chia làm 2 nhóm chính: 

  • Gan nhiễm mỡ do rượu:

Đây là giai đoạn sớm nhất của viêm gan do rượu, và sau đó có thể là xơ gan, thậm chí ung thư gan.

Bình thường, khi cơ thể tiếp nhận một lượng lớn rượu, gan sẽ đảm nhận chức năng chuyển hóa và thải trừ lượng rượu đó. Tuy nhiên, quá trình này lại sản sinh ra nhiều chất chuyển hóa độc hại, gây ảnh hưởng đến tế bào gan cũng như làm tăng tích tụ mỡ trong gan. Bạn có thể cải thiện tình trạng này bằng cách kiêng rượu. Sau 6 tuần, lượng mỡ trong gan của bạn sẽ trở về mức bình thường.

Gan nhiễm mỡ là tình trạng mỡ trong gan tích tụ >5% trọng lượng của lá gan

  • Gan nhiễm mỡ không do rượu

Hay còn gọi là NAFLD (Nonacoholic fatty liver disease), nhóm bệnh rất phổ biến trong dân số Việt Nam. Nguyên nhân sinh bệnh của NAFLD không phải là do rượu mà liên quan đến sự rối loạn chuyển hóa lipid trong cơ thể. Mất cân bằng trong quá trình hấp thu, tổng hợp, sử dụng và thải trừ lipid dẫn tới tích tụ quá mức trong gan. Tùy vào tác động lên gan của mỡ dư thừa mà người ta phân chia NAFLD thành hai nhóm:

  • Gan nhiễm mỡ không do rượu đơn thuần

Chiếm phần lớn các trường hợp NAFLD. Trong gan của bạn vẫn có một lượng mỡ dư thừa (>10%) nhưng thường không ảnh hưởng đến tế bào gan.

  • Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu

Hay còn gọi là NASH - Nonalcoholic steatohepatitis (NASH), tình trạng này nghiêm trọng hơn nhiều so với gan nhiễm mỡ không do rượu đơn thuần. Cơ chế bệnh sinh của NASH là đáp ứng viêm được gây ra bởi các gốc tự do sinh ra từ lượng mỡ dư thừa. Quá trình viêm và tổn thương các tế bào gan nếu diễn tiến lâu dài có thể dẫn tới xơ gan thậm chí là ung thư gan.

 

2. Gan nhiễm mỡ do những nguyên nhân nào gây ra?

Một số nguyên nhân gây bệnh thường gặp:

  • Uống nhiều rượu bia

Rượu bia là nguyên nhân hàng đầu gây nên gan nhiễm mỡ. Khi rượu bia được đưa vào cơ thể, chất cồn sẽ làm gia tăng việc tiêu hủy lipid ở các mô ngoại biên và gia tăng lượng acid béo tự do từ mô mỡ đến gan, vì vậy tăng tích lũy triglyceride tại gan.

Cụ thể, chất cồn trong rượu bia khiến tế bào Kupffer – một đại thực bào nằm ở xoang gan bị kích hoạt quá mức, dẫn tới phóng thích hàng loạt chất gây viêm như TNF-α, TGF-β, Interleukin…, trong đó TNF-α được xem là yếu tố chính gây mỡ hóa tế bào gan.      

 Rượu bia là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến gan nhiễm mỡ

  • Do các bệnh lý chuyển hóa

Cơ chế bệnh sinh của gan nhiễm mỡ là sự mất cân bằng giữa đồng hóa và dị hóa lipid, dẫn tới tích tụ quá mức trong tế bào gan. Vì vậy, những bệnh lý làm ảnh hưởng đến quá trình này đều có thể dẫn tới mỡ hóa tế bào gan, chẳng hạn:

- Đái tháo đường

- Béo phì

- Tăng lipid máu

  • Các nguyên nhân khác

- Do lối sống, bao gồm thói quen ăn uống và vận động:  Những người tiêu thụ nhiều thực phẩm có chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, chất bột đường sẽ có nguy cơ tích tụ nhiều mỡ ở trong gan. Đồng thời, những người với lối sống lười vận động cũng sẽ có nguy cơ bệnh cao hơn do chất béo tích tụ không được giải phóng bằng các hoạt động thể chất. 

- Di truyền: Theo nhiều nghiên cứu, nếu sinh ra trong một gia đình có nhiều người bị béo phì và gan nhiễm mỡ thì tỉ lệ mắc căn bệnh này sẽ cao hơn so với những người khác. 

- Thuốc: Một số thuốc khi dùng quá liều hay kéo dài cũng có thể gây tích tụ mỡ trong gan như vitamin A, cortioid- thành phần trong các thuốc trị hen, các loại thuốc nam,..

- Độc chất: Thường gặp là các sản phẩm hóa dầu dùng trong kỹ nghệ hay hóa chất chứa vinyl chlorine,…

 

3. Gan nhiễm mỡ thường biểu hiện những triệu chứng nào?

Bệnh thường diễn tiến âm thầm mà không biểu hiện triệu chứng gì nổi bật bởi khả năng bù trừ của gan là cực kỳ tốt. Phần lớn các trường hợp tình cờ phát hiện qua khám, xét nghiệm men gan hoặc siêu âm bụng bởi các lý do khác. Một số triệu chứng nếu có thường chỉ là bụng ấm ách và hơi khó chịu, khám có thể phát hiện gan to nhẹ. Khi bệnh chuyển qua giai đoạn viêm gan thì có thể biểu hiện:

  • Sốt
  • Vàng da
  • Chán ăn, sụt cân, có thể nôn hoặc buồn nôn
  • Đau vùng hạ sườn phải
  • Đau nhức, khó chịu khắp cơ thể

Bệnh gan nhiễm mỡ thường diễn ra âm thầm, không có triệu chứng gì nổi bật

Khi nền kinh tế nước ta ngày càng phát triển, đời sống của người dân được nâng cao thì lối sống cũng như sinh hoạt có nhiều thay đổi khiến tỷ lệ gan nhiễm mỡ ngày càng tăng cao. Bệnh thường diễn tiến âm thầm nhưng có thể gây ra các biến chứng nặng nề. Tuy nhiên, bạn cũng hoàn toàn có thể kiểm soát bằng một chế độ ăn uống hợp lý, vận động thể thao thường xuyên để duy trì cân nặng chuẩn mực. Ngoài ra, những người đã được chẩn đoán bệnh nên kiểm tra tổng quát định kỳ hằng năm, theo dõi sức khỏe bằng các xét nghiệm men gan để tầm soát và phát hiện các vấn đề về gan ngay từ giai đoạn sớm.

Kiểm tra chức năng gan với Bộ xét nghiệm chức năng gan- viêm gan tại MEC Health sẽ giúp bạn tầm soát, đánh giá tình trạng sức khỏe gan mật định kỳ cũng như theo dõi tiến triển bệnh. Để đặt lịch hẹn, vui lòng liên hệ HELPLINE 0827 222 115 hoặc đăng ký ngay TẠI ĐÂY 

 

Tài liệu tham khảo:

1. TS.BS.Vũ Đình Tiến, Bệnh viện TƯQĐ 108, 2018. Hiểu đúng về bệnh gan nhiễm mỡ. <http://benhvien108.vn/hieu-dung-ve-benh-gan-nhiem-mo.htm>. [Ngày truy cập: 3 tháng 9 năm 2020].

2. Mayo Clinic Staff, 2019. Nonalcoholic fatty liver disease. Available at <https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nonalcoholic-fatty-liver-disease/symptoms-causes/syc-20354567>. [Accessed 3 September 2020].

3. Minesh Khatri, MD, 2019. Fatty Liver Disease (Hepatic Steatosisi). Available at <https://www.webmd.com/hepatitis/fatty-liver-disease>. [Accessed 3 September 2020].

 
 
 
 
© Copyright 2020 MEC Health . All rights reserved.