Chế độ dinh dưỡng dành cho người bị gan nhiễm mỡ

 

Gan nhiễm mỡ là một bệnh lý tương đối phổ biến ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Bệnh thường diễn tiến âm thầm nhưng có thể để lại nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, gan nhiễm mỡ có thể hoàn toàn được kiểm soát thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý.

 

1. Tổng quan về gan nhiễm mỡ

Gan là cơ quan lớn nhất trong cơ thể, đóng vai như một nhà máy khổng lồ với các chức năng chính là chuyển hóa, dự trữ, tạo mật và chống độc tố. Ở người bình thường, lượng mỡ trong gan rất thấp, chỉ chiếm 2-4% trọng lượng của gan, đây là phần trăm tối ưu để gan thực hiện chức năng một cách hiệu quả nhất. Ở người bị gan nhiễm mỡ, lượng mỡ tích tụ trong gan tăng cao (>5% trọng lượng), gây ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của gan.

Dựa vào nguyên nhân cũng như cơ chế bệnh sinh, bệnh được chia làm 2 nhóm chính:

  • Gan nhiễm mỡ do rượu

Đây là tình trạng tích tụ mỡ trong gan được thúc đẩy bởi các chất chuyển hóa tạo ra từ quá trình ly giải và thải trừ rượu tại gan. Gan nhiễm mỡ do rượu là giai đoạn sớm nhất của viêm gan do rượu và sau đó có thể là xơ gan thậm chí là ung thư gan.

Tuy nhiên bạn  hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng này bằng cách kiêng rượu và một chế độ ăn uống, vận động hợp lý.

  • Gan nhiễm mỡ không do rượu

Đây là nhóm bệnh phổ biến nhất trong dân số Việt Nam, được gây ra bởi sự rối loạn chuyển hóa lipid trong cơ thể. Bệnh được thúc đẩy bởi chế độ ăn uống và vận động bất hợp lý dẫn đến tích tụ lượng mỡ quá mức tại gan. Do đó, dinh dưỡng chính là yếu tố quyết định trong điều trị gan nhiễm mỡ không do rượu.

“Gan nhiễm mỡ” đa số bắt nguồn từ chế độ ăn uống

 

2. Nhu cầu năng lượng dành cho người bị gan nhiễm mỡ

Ở những người khỏe mạnh, nhu cầu năng lượng thể hiện số lượng calo mà một người cần để đạt được mục tiêu cân nặng nhất định - nghĩa là tăng, giảm hoặc duy trì cân nặng. Nhiều nghiên cứu trên các bệnh nhân gan nhiễm mỡ không do rượu đã đưa ra khuyến nghị mức năng lượng lý tưởng dành cho các bệnh nhân này từ 25-30kcal/kg/ngày. Mức năng lượng này sẽ thay đổi tùy theo mức độ nặng, các biến chứng cũng như bệnh nền khác kèm theo. Dưới đây là mức năng lượng cụ thể dành cho các nhóm chất khác nhau:

2.1 Carbohydrate

Phân bố dinh dưỡng (AMDR) đối với nhóm carbohydrate được khuyến nghị nằm trong khoảng 45-65% tổng số calo.

Nguồn carbonhydrate tốt nhất là trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và thực phẩm có chỉ số đường thấp.

2.2 Lipid

Phân bố dinh dưỡng đối với nhóm lipid được khuyến cáo khoảng 20-30% tổng năng lượng đưa vào.

Nguồn lipid tốt nhất từ các thực phẩm giàu acid béo omega như cá, dầu oliu và các loại hạt.

2.3 Protein

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, lượng protein đưa vào cơ thể hàng ngày nên nằm trong khoảng 16-17% tổng năng lượng. Tỷ lệ này có thể thay đổi dựa vào trọng lứa tuổi cũng như là tình trạng bệnh lý kèm theo.

2.4 Chất xơ

Yêu cầu chất xơ đối với người bệnh gan nhiễm mỡ được đặt ra là 38g/ngày cho nam và 25g/ngày cho nữ.

Gan nhiễm mỡ có thể được kiểm soát thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý

 

3. Thực đơn dành cho người bị gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ được phân chia thành nhiều giai đoạn và mỗi giai đoạn sẽ có các phương pháp điều trị cũng như thực đơn dinh dưỡng khác nhau. Tuy nhiên về cơ bản, thực đơn của người bệnh lúc nào cũng phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

 

  • Bổ xung nhiều hoa quả và rau xanh

Đây được xem là nhóm thực phẩm quan trọng nhất trong thực đơn của người bệnh. Bổ xung nhiều rau quả sẽ đem lại cho cơ thể một lượng chất xơ cũng như vitamin giúp phục hồi chức năng gan và giảm mỡ dư thừa.

Một số loại rau quả được khuyến cáo như: Rau cần, xà lách, mướp đắng, mồng tơi, rau muốn hay các loại quả như bưởi, táo, chanh…

  • Sử dụng dầu ăn thực vật

Một trong các đặc điểm ưu thế của dầu ăn thực vật là chứa một lượng acid béo không no giúp kiểm soát cholesterol trong máu - chất cơ bản trong bệnh sinh của gan nhiễm mỡ.

Thay vì sử dụng mỡ động vật, bạn nên lựa chọn các loại dầu thực vật như: dầu vừng, dầu đậu phộng, dầu cải…

  • Chọn lựa các nhóm đạm hợp lý

Một số loại thực phẩm cung cấp đạm được khuyến cáo như: thịt gia cầm, trứng, đậu nành, cá, hải sảm, đậu đỗ. Ngoài ra bạn nên lựa chọn cách chế biến hợp lí như nướng, hấp, rang để giảm thiểu các chất béo và calo dư thừa.

  • Các nhóm thực phẩm cần phải hạn chế

- Rượu bia và chất kích thích

- Nội tạng động vật và thực phẩm chưa nhiều dầu mỡ

- Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu

- Các loại trái cây như mít, sầu riêng

- Hạn chế các gia vị cay nóng như tiêu, ớt, gừng

Rau củ quả là nhóm thực phẩm quan trọng nhất trong thực đơn dành cho người bị gan nhiễm mỡ

 

Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, đời sống của người dân được nâng cao thì lối sống cũng như sinh hoạt có nhiều thay đổi khiến tỷ lệ mắc gan nhiễm mỡ ngày càng tăng cao. Bệnh thường diễn tiến âm thầm nhưng có thể gây ra các biến chứng nặng nề. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát gan nhiễm mỡ bằng một chế độ ăn uống hợp lý, vận động thể thao thường xuyên để duy trì cân nặng chuẩn mực. Ngoài ra, những người đã được chẩn đoán bệnh nên kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm để theo dõi cũng như phát hiện các vấn đề về gan ngay từ giai đoạn sớm.

Kiểm tra chức năng gan với Bộ xét nghiệm chức năng gan – viêm gan tại MEC Health sẽ giúp bạn tầm soát, đánh giá tình trạng sức khỏe gan mật định kỳ cũng như theo dõi tiến triển bệnh. Để đặt lịch hẹn, vui lòng liên hệ HELPLINE 0827 222 115 hoặc đăng ký ngay TẠI ĐÂY 

 

Tài liệu tham khảo:

1. TS.BS.Vũ Đình Tiến, Bệnh viện TƯQĐ 108, 2018. Hiểu đúng về bệnh gan nhiễm mỡ. <http://benhvien108.vn/hieu-dung-ve-benh-gan-nhiem-mo.htm>. [Ngày truy cập: 3 tháng 9 năm 2020].

2. Mayo Clinic Staff, 2019. Nonalcoholic fatty liver disease. Available at <https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nonalcoholic-fatty-liver-disease/symptoms-causes/syc-20354567>. [Accessed 3 September 2020].

3. Minesh Khatri, MD, 2019. Fatty Liver Disease (Hepatic Steatosisi). Available at <https://www.webmd.com/hepatitis/fatty-liver-disease>. [Accessed 3 September 2020].

 
 
 
 
 
© Copyright 2020 MEC Health . All rights reserved.