Các xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường và tiền đái tháo đường

 

Đái tháo đường là một căn bệnh phổ biến trong xã hội ngày nay. Việc sử dụng thực phẩm, hóa chất, thuốc chữa bệnh… không được kiểm soát dẫn đến số lượng người mắc ngày càng gia tăng. Đặc biệt, bệnh đái tháo đường đang có xu hướng trẻ hóa. Nếu không được phát hiện và kiểm soát sớm, nó có thể dẫn đến những biến chứng cực kỳ nguy hiểm ở mắt, thận, mạch máu,… Xét nghiệm sớm và thường xuyên nhằm phát hiện bệnh đái tháo đường từ giai đoạn đầu là vô cùng cần thiết, từ đó kiểm soát lượng đường trong máu để tránh những biến chứng đáng tiếc.

 

1. Các xét nghiệm cơ bản để phát hiện đái tháo đường

1.1 Các xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường

• Xét nghiệm glucose máu lúc đói (fasting plasma glucose: FPG)

Đây là xét nghiệm phổ biến hay dùng nhất hiện nay để chẩn đoán đái tháo đường. Bệnh nhân phải nhịn ăn (không uống nước ngọt, có thể uống nước lọc, nước đun sôi để nguội) ít nhất 8 giờ (thường phải nhịn đói qua đêm từ 8 -14 giờ). Bình thường glucose máu khi đói khoảng 4,4 -5,0 mmol/L. Nếu như xét nghiệm thấy đường máu lúc đói (sau ăn 8h) ≥ 126 mg/dl (≥ 7,0 mmol/l) ở 2 lần xét nghiệm gần nhau thì được coi là đái tháo đường.       

Xét nghiệm đường máu thường xuyên phát hiện đái tháo đường giai đoạn sớm

• Nghiệm pháp tăng glucose máu bằng đường uống (Nghiệm pháp dung nạp đường huyết)

Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống cần được thực hiện theo hướng dẫn của WHO: bệnh nhân nhịn ăn từ nửa đêm trước khi làm xét nghiệm, cho uống lượng glucose tương đương 75g, hòa tan trong 250-300ml nước và uống trong 5  phút. Nếu kết quả xét nghiệm của bệnh nhân sau 2h thu được nồng độ glucose huyết tương ≥200 mg/dL (≥11,1 mmol/l) thì được coi là chỉ điểm của bệnh đái tháo đường.

• HbA1c

Xét nghiệm HbA1c có thể được dùng với mục đích chẩn đoán và sàng lọc trong khám sức khỏe định kỳ hoặc nghi ngờ mắc đái tháo đường. HbA1C là thông số phản ánh nồng độ đường máu của bạn trung bình trong khoảng 3 tháng gần đây và đây là xét nghiệm thường được chỉ định để chẩn đoán và theo dõi đáp ứng điều trị ở những bệnh nhân mắc đái tháo đường type 2. Giá trị chỉ số HbA1c ≥ 6,5% là chỉ điểm của bệnh đái tháo đường.

• Xét nghiệm glucose ở thời điểm bất kỳ

Đo lượng glucose huyết thanh tại thời điểm bất kỳ cho kết quả ≥ 200 mg/dL (hay 11,1 mmol/L), kết hợp kèm theo các biểu hiện lâm sàng điển hình của bệnh như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân nhiều không rõ nguyên nhân cũng là chỉ điểm của bệnh đái tháo đường.

Xét nghiệm glucose kết hợp triệu chứng lâm sàng giúp phát hiện đái tháo đường

1.2 Các xét nghiệm chẩn đoán tiền đái tháo đường

Tiền đái tháo đường là tình trạng tăng glucose máu mức trung gian với các chỉ số glucose máu trên mức bình thường nhưng dưới ngưỡng chẩn đoán đái tháo đường. Đây là trạng thái đặc trưng bởi rối loạn đường huyết lúc đói (IFG) và/hoặc rối loạn dung nạp glucose (IGT).

Hiện nay có 3 xét nghiệm hay được sử dụng để chẩn đoán tiền đái tháo đường:

• Xét nghiệm glucose máu lúc đói

Thời điểm lấy và cách thức lấy tương tự như chẩn đoán đái tháo đường. Giá trị đo được nằm trong khoảng 100-125 mg/dl (5,6-6,9 mmol/l) thì được coi là bệnh lý.

• Nghiệm pháp tăng glucose máu bằng đường uống

Mức đường huyết 140-199 mg/dl (7,8-11,0 mmol/l) được coi là tiền đái tháo đường

• HbA1c

Nồng độ HbA1C giữa 5,7-6,4% được coi là tiền đái tháo đường. Trên  6,5% qua hai lần xét nghiệm thì được chẩn đoán đái tháo đường.

 

2. Phòng ngừa đái tháo đường

2.1 Giảm cân

Giảm trọng lượng cơ thể là cách đơn giản nhất giúp bạn ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh đái tháo đường. Những người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc bệnh này cao nhất. Theo các bác sĩ, ngay cả đối với đái tháo đường type 2, chúng ta có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách giảm cân. Điều quan trọng là bạn phải kiểm soát lượng calo nạp vào cơ thể mỗi ngày, chăm chỉ tập thể dục thường xuyên.

2.2 Ăn nhiều rau

Nếu bạn đã quen ăn sáng với những món chứa nhiều chất béo như bánh mì bơ, phô mai bơ, khoai tây chiên… hãy đổi khẩu vị với món salad vào mỗi buổi sáng. Bổ sung rau xanh một cách thường xuyên là cách dễ nhất để ngăn ngừa bệnh đái tháo đường. Đây cũng là cách giảm cân hiệu quả và duy trì lượng đường huyết ổn định.

2.3 Tập thể dục

Tập thể dục thông qua các hoạt động đơn giản nhưng hiệu quả chẳng hạn như đi bộ thường xuyên hơn, đạp xe đạp thay vì đi xe máy,… vận động cơ thể làm tăng chuyển hoá giúp giảm cân cũng như giúp cơ thể sử sụng insulin một cách hiệu quả hơn.

Tập thể dục đều đặn bảo vệ bạn khỏi nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường

2.4 Xét nghiệm tổng quát định kỳ

Cách phòng và điều trị bệnh đơn giản nhất là đi khám sức khỏe và xét nghiệm tổng quát định kỳ để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Điều quan trọng là phải biết lượng đường (glucose) trong máu của bạn là bao nhiêu, đặc biệt nếu trong gia đình bạn có người mắc bệnh đái tháo  đường. Do đó chủ động xét nghiệm máu thường xuyên và nghe theo lời khuyên của bác sĩ để phòng bệnh tốt hơn.

Đái tháo đường là căn bệnh nguy hiểm gây nên nhiều biến chứng nhưng bạn hoàn toàn có thể chủ động phòng tránh bằng cách duy trì chế độ sống lành mạnh. Khi được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ và duy trì chế độ ăn uống hợp lý để tránh đường huyết tăng cao.

 

Để quá trình thăm khám và xét nghiệm được thuận tiện, nhanh chóng và tiết kiệm thời gian hơn, bạn có thể đặt lịch hẹn lấy mẫu xét nghiệm tại nhà cùng MEC Health. MEC Health là đơn vị cung cấp dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà - liên kết với Medic Hòa Hảo. Khi đặt hẹn lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, bạn sẽ nhận được kết quả online nhanh nhất và hoàn toàn bảo mật, đồng thời bạn cũng nhận được 1 bản cứng gửi đến tận nhà (xét nghiệm được thực hiện bởi Medic Hòa Hảo). Để đặt lịch hẹn lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, quý bệnh nhân có thể liên hệ MEC Health qua Hotline/ Zalo/ Viber 0827222115 hoặc đăng ký ngay TẠI ĐÂY

 

Tài liệu tham khảo:

1. American Diabetes Association (2021). Classification and Diagnosis of Diabetes: Standards of Medical Care in Diabetes.
2. Bộ Y Tế (2017). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường type 2. Hà Nội.
3. Đinh, T. M. H., & Trần, T. A. T. (2020). Bệnh thận đái tháo đường: vấn đề cần quan tâm. Vietnam Journal of Diabetes and Endocrinology, (38), 12- 17.
4. Nguyễn, H. T. (2021). Cập nhật chẩn đoán và điều trị tiền đái tháo đường. Vietnam Journal of Diabetes and Endocrinology, (46), 9-25.

 

© Copyright 2020 MEC Health . All rights reserved.